9 Lễ hội ngày tết không thể bỏ qua dịp Tết Nguyên Đán 2023

Lễ hội ngày Tết là một trong những nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân gian của người Việt Nam. Trong những ngày đầu xuân năm mới, ngập tràn không khí vui tươi phấn khởi của thiên nhiên đất trời chính là thời điểm thích hợp để nhiều lễ hội truyền thống trên khắp đất nước bắt đầu khai hội phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và cũng để đón du khách về tham quan, chiêm bái. Cùng tìm hiểu những lễ hội ngày Tết trên khắp đất nước có những gì nhé!

Lễ hội ngày Tết tại Miền Bắc

Chắc hẳn trong ba miền Bắc – Trung – Nam thì miền Bắc được coi là nơi nhiều lễ hội truyền thống nhất. Không khí lành lạnh cùng sự đa dạng muôn màu chắc chắn sẽ khiến người dân phải hoà mình vào mùa lễ hội Tết tại đây. Vì vậy, nếu bạn có dịp đến miền Bắc vào màu xuân thì đừng bỏ lỡ những lễ hội dưới đây nhé!

1. Lễ hội chùa Hương (6/1 Âm lịch tại Hoài Đức, Hà Nội)

Lễ hội chùa Hương là một lễ hội nổi tiếng, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách thập phương mỗi dịp đầu năm. Lễ hội được tổ chức tại khu thắng cảnh chùa Hương (hay Hương Sơn) nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một lễ hội Hà Nội lớn được tổ chức hằng năm, thu hút số lượng đông đảo các Phật tử trên cả nước tham gia hành hương.

Ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội Chùa Hương, ngày này vốn là ngày chùa mở cửa rừng, người dân địa phương sau này trở thành ngày khai hội. Lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng nhau cúng bái, khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương, hành trình về một miền đất phật. Nơi trác tích Bồ Tát Quán Thế Âm ứng thiện tu hành, để dâng lên người một nén tâm hương, một lời nguyện cầu, hoặc thả hồn mình bay bổng hòa quyện với thiên nhiên, ở một vùng miền còn in dấu tích phật thoại và văn hóa tâm linh.

le-hoi-ngay-tet-1

Đặc biệt, Chùa Hương còn là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào,Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng,và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn,với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Vì vậy, đây được coi là lễ hội được nhiều người dân biết tới nhất và cũng là một điểm đến hấp dẫn cho ai muốn trải nghiệm nét đẹp văn hoá của người Việt Nam.

2. Lễ hội Gò Đống Đa (5/1 Âm lịch tại Hà Nội)

Gò Đống Đa là một di tích lịch sử và là một điểm tham quan tại Hà Nội nằm bên phố Tây Sơn, Hà Nội. Cách đây hơn 200 năm gò Đống Đa đã chứng kiến trận chiến đẫm máu và oai hùng của dân tộc ta trong thời kỳ chống quân Thanh xâm lược. Khi nhà Thanh đem quân sang xâm lược nước ta, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế và ra lệnh tiền quân ra bắc để giành lại độc lập trên quê hương. Vì vậy, nhân dân tổ chức lễ hội này hàng năm để ghi nhận những khổ lao và công lao của vua và quân Tây Sơn đã vất vả trong suốt quá trình chống giặc và việc hòa bình được lập lại trên quê hương người dân đã tổ chức lễ hội chiến thắng để ăn mừng chiến thắng lẫy lừng này.

le-hoi-ngay-tet-2

Lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 Tết. Từ sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Chùa Đồng Quang gần gò Đống Đa cũng là nơi diễn ra lễ cầu siêu, dâng hương tưởng nhớ công ơn của những anh hùng, nghĩa sĩ đã vì dân, vì nước.

3. Lễ hội Lim (13/1 Âm lịch tại Bắc Ninh)

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc. Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ, những sự tích văn hoá. Hội Lim chính là hội chùa làng lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Hội Lim trở thành hội hàng tổng (hội vùng) vào thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục.

le-hoi-ngay-tet-3

Vào ngày 13/1 Âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước lúc 8h sáng. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ, sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần. Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, với những hoạt động lễ và hội phong phú, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh.

Lễ hội ngày Tết tại Miền Trung

Miền Trung cũng là nơi nổi tiếng với sự đa dạng lễ hội tâm linh trong những ngày đầu xuân. Đây là thời điểm khởi đầu của một năm nên mọi người thường đến tri ân các vị thần tổ cũng như cầu mong một năm bình an.

4. Lễ hội Đền vua Mai (3/1 Âm lịch tại Nghệ An)

Lễ hội diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 Tết. Đây là lễ hội tổ chức thường niên nhằm tưởng nhớ vua Mai Hắc Đế. Vua tên thật là Mai Thúc Loan, sinh ra và lớn lên tại xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An).

​​le-hoi-ngay-tet-4

Lễ hội được tổ chức long trọng, quy mô lớn và khá cầu kỳ với nhiều nghi thức quan trọng như lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ yết cáo… Trong đó, quan trọng nhất là đại lễ tế thần vào ngày 15 tháng Giêng đón rước thần linh về dự hội để dân làng tỏ lòng biết ơn đấng thần linh. Sau đó là các hoạt động dân gian như thi hát, đua thuyền, đi cầu kiều…

5. Hội vật làng Sình (9/1 Âm lịch tại Huế)

Làng Sình là tên nôm của làng Lại Ân, nay thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, là một trong những làng được hình thành khá sớm của xứ Thuận Hóa. Ngoài nghề làm tranh mộc bản cổ truyền rất nổi tiếng, làng Sình hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của cha ông, trong đó có hội vật được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dân địa phương và khách thập phương về tham dự.

​​le-hoi-ngay-tet-5

Lễ hội diễn ra vào ngày 9 đến 10 tháng Giêng, là hội vật truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế. Lễ hội không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.

Hội vật làng Sình chỉ diễn ra trong một ngày và có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức khá tôn nghiêm tại đình làng Lại Ân. Tại đây, các cụ cao niên trong làng sẽ làm nghi lễ vái tạ Thành Hoàng của trưởng tộc ở đình làng. Sau đó phần hội chính thức được bắt đầu. Hội vật làng Sình về cơ bản áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc là phải đánh ngã đối thủ ở tư thế “lấm lưng trắng bụng”, đồng thời giữ hoặc đè được đối thủ trong vòng 3 giây là thắng.

6. Lễ Hội Cầu Ngư (12/1 – tháng 6 Âm Lịch tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ)

Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian. Vào tháng Giêng hàng năm, lễ hội sẽ được ngư dân tổ chức với mong muốn cầu cho một vùng trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.

Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân sống tại các tỉnh ven biển nước ta, trải dài từ Quảng Bình trở vào Nam và bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc xinh đẹp. Tuy nhiên, nơi mà tổ chức Lễ hội Cầu Ngư nổi tiếng nhất với những hoạt động thú vị đặc sắc lại chẳng nơi đâu bì bằng vùng đất Phú Yên hoa vàng cỏ xanh với cảnh sắc thiên nhiên, non nước hữu tình.

Lễ hội Cầu Ngư là một nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của ngư dân sống tại các làng chài ven biển. Nếu có dịp về với đất Phú vào những ngày diễn ra lễ hội, bạn đừng bỏ qua cơ hội được đắm mình trong bầu không khí lễ hội rộn ràng, sôi động tại đây bên cạnh việc khám phá những điểm tham quan tại Phú Yên nổi tiếng khác nhé.

le-hoi-ngay-tet-6

Lễ hội ngày Tết tại Miền Nam

Miền Nam cũng có rất nhiều các lễ hội xuân trong thời điểm đầu năm, cùng tìm hiểu những lễ hội ngày Tết nổi bật tại các tỉnh miền Nam dưới đây nhé!

7. Lễ hội Núi Bà Đen ( 5/1 Âm Lịch tại Tây Ninh)

Lễ Hội Núi Bà Đen hay còn gọi là Lễ Hội Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức vào rằm tháng giêng hàng năm. Tuy nhiên, ngay từ đầu xuân các tín đồ thập phương đã đến hành lễ không ngừng. Phần đông du khách đến cầu nguyện mong Thánh Mẫu phù hộ đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi.

Riêng lễ Vía Bà được tổ chức từ nhiều ngày trước đó để kịp đến khuya mùng 3 rạng mùng 4/5 âm lịch sẽ làm lễ tắm Bà và thay áo cho Bà. Vào lúc này cửa điện được đóng kín, đèn nến tắt gần hết chỉ còn lại 6 phụ nữ trung niên trong đó có 3 ni cô của nhà chùa bắt tay vào nghi thức tắm tượng Bà, mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin phép được tắm và thay áo cho Bà.

Suốt ngày mùng 4/5 tại điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (Múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…).

Ngày mùng 5/5 là ngày lễ Vía chính thức của Bà và cũng là ngày lễ hội Núi Bà đông vui nhất. Những nghi lễ trong ngày mùng 5 quan trọng nhất là lễ “Trình thập cúng”. Trong lễ này người ta dâng lên Bà 10 món bao gồm: Hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong suốt ngày này, các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà.

8. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu (13/1 Âm lịch tại Bình Dương)

Hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà) diễn ra trong 3 ngày từ 13 đến rằm tháng giêng ở Bình Dương và là lễ hội dân gian mang nét văn hóa độc đáo đặc biệt của vùng Đông Nam Bộ. Ở hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà), nhân dân thường bày bàn ra trước cửa nhà để cúng tế vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị cho lễ rước Bà vào ngày hôm sau. Sáng 14 tháng giêng, lễ rước Bà Thiên Hậu được tổ chức theo nghi thức truyền thống, kiệu Bà được rước khắp phố phường cùng đội múa sư tử, múa lân, rồng, cờ xí … Đến ngày cuối cùng của hội, ngày rằm tháng giêng, dân chúng về chùa Bà thắp hương cầu cúng, mong phúc lộc.

le-hoi-ngay-tet-7

Phần đặc sắc nhất trong Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu phải kể đến nghi thức rước kiệu Bà đi qua các tuyến phố chính của thành phố Thủ Dầu Một vào ngày rằm tháng Giêng. Theo phong tục của người Hoa, đi đầu đoàn rước sẽ là 4 con Hẩu, mang tạo hình sư tử rồng vàng – chúa tể của muông thú. Theo sau là hàng chục thanh niên cầm cờ hiệu, thanh long đao, tiếp đến là các đội múa lân, rồi tới những đoàn xe gắn hoa rực rỡ, rồi hàng dài các cô thiếu nữ thắt nơ gánh đầy vô số giỏ hoa vải nhiều màu sắc, theo sau là các đội kèn, sáo, trống huyên náo của một góc phố.

9. Lễ hội Đức Thánh Trần (8/1 Âm lịch tại TP Hồ Chí Minh)

Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng giêng hàng năm, hội đền Đức Thánh Trần ở TP Hồ Chí Minh cũng là dịp để tri ân công đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời giáo dục truyền thống, lịch cho thế hệ trẻ. Đi du lịch Sài Gòn vào dịp du lịch lễ hội tham gia lễ hội Đức thánh Trần ở Sài Gòn, du khách còn được tham quan nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa đặc biệt ở nơi đây. Vì vậy, du lịch TP.HCM vào dịp Tết, bạn nên tham gia lễ hội đặc sắc này để tìm hiểu nhiều giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Các lễ hội ngày Tết đều có những bản sắc và dấu ấn riêng của từng vùng miền. Những lễ hội ở Việt Nam còn rất nhiều nhưng sẽ không thể giới thiệu hết trong một vài trang viết. Mong bài viết trên đây đã cho bạn thêm những kiến thức bổ ích về lễ hội ngày Tết của Việt Nam. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ và bình an.

Mai Anh

Mai Anh

Trên thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, tính năng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bởi vậy khó khăn của người tiêu dùng là lựa chọn cho mình một sản phẩm phù hợp và chất lượng. Mai Anh hi vọng qua những bài reviews, đánh giá, tổng hợp của mình trên Phongreviews sẽ giúp cho quý đọc giả lựa chọn được cho mình những sản phẩm ưng ý. Mai Anh và đội ngũ tác giả trên Phongreviews rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của mọi người nhằm nâng cao chất lượng nội dung và ngày càng nhiều sản phẩm được đánh giá, reviews hơn nữa. Cảm ơn quý đọc giả đã ghé thăm.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Phong Reviews
Logo
Enable registration in settings - general